Theo kinh nghiệm của nhân dân ở một số địa phương như Nam Định, Phú thọ, Sơn Tây… dùng cỏ mật để chữa cảm sốt, chữa mụn nhọt và chữa các bệnh về gan mật. Một số tác giả trong nước cũng đã nghiên cứu về tác dụng hạ sốt, giảm đau, lợi mật, lợi tiểu… của cỏ mật trên thực nghiệm nhưng chưa thấy có nghiên cứu nào về tác dụng bảo vệ gan và phục hồi tổn thương gan của cây này. Để có cơ sở khoa học trong việc sử dụng cây thuốc này với mục đích làm thuốc bảo vệ và phục hồi tổn thương gan, Tiến sĩ Lê Thị Kim Loan là chủ nhiệm đề tài cùng đồng sự đã tiến hành nghiên cứu:

  1. Tên đề tài: Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng bảo vệ gan của cây cỏ
    mật ( Eriochloa ramosa ( Retz.) Hack., họ Poaceae
  2. Chủ nhiệm đề tài: TS. Lê Thị Kim Loan
  3. Cơ quan chủ trì đề tài: Viện Dược liệu – Bộ Y tế
  4. Thời gian thực hiện (BĐ-KT): Tháng 7/2006 đến tháng 2/2009
Cây cỏ mật

Mô tả cây cỏ mật

Cỏ mật là cây thảo, sống lâu năm. Rễ hình sợi, mọc dầy đặc. Thân khí sinh mọc thành bụi
dầy, nhẵn, có lông ở các đốt, cao 0,3-1,5m. Lá mọc so le, hình dải,đầu lá nhọn, mép hơi nháp, bẹ lá xoè rộng, lưỡi bẹ ngắn, có lông.
Cụm hoa mọc thành bông đơn hoặc phân nhánh, dài 5-13cm, cuống chung mảnh, nhẵn, bông nhỏ xếp lớp rất thưa mọc so le, hơi thẳng đứng, hình bầu dục nhọn, có lông cứng ở đỉnh, không có mày ngoài, mày trong mềm nhọn, mép hơi gập lại, có lông mềm, cuống bông nhỏ, có lông, hoa ở dưới không sinh sản, hoa ở trên lưỡng tính dẹt, màu xám, bóng, 3 nhị, chỉ nhị hình sợi, bầu thuôn dẹt, nhẵn, có 2 vòi nhuỵ, núm nhuỵ phát triển, màu hung đen nhạt.
Quả nằm trong mày hoa, góc rất nhọn, tù ở đầu, nhẵn, dẹt, có vòi tồn tại.
Cỏ mật mọc hoang ở vùng đồng bằng và trung du. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm lẫn với các loại cỏ khác ở bãi sông, ruộng trồng hoa màu, ven đường hay nương rẫy. Cây con mọc từ hạt vào khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5, sau mùa hoa quả, cây tàn lụi. Cỏ mật là nguồn thức ăn cho trâu, bò và có hại cho cây trồng.

 Mục tiêu nghiên cứu
– Xác định thành phần hóa học chính của cây cỏ mật.
– Xây dựng quy trình chiết xuất và phân lập các nhóm hoạt chất chính trong cây cỏ mật
– Đánh giá độc tính cấp và bán trường diễn của hoạt chất toàn phần.
– Đánh giá tác dụng bảo vệ gan trên mô hình súc vật thí nghiệm của hoạt chất toàn phần

 Những điểm mới trong nghiên cứu

1. Về giải pháp khoa học – công nghệ
– Lần đầu tiên đã nghiên cứu chiết tách và xác định cấu trúc của 5 hợp chất hữu cơ
trong cây cỏ mật ( Eriochloa ramosa ( Retz.) Hack. ). Trong đó có 1 chất mới, lần
đầu xác nhận được từ thiên nhiên.
– Lần đầu tiên nghiên cứu chứng minh tác dụng bảo vệ gan, làm tăng phục hồi tổn
thương gan và tác dụng lợi mật của cây cỏ mật. Tác dụng bảo vệ gan của cỏ mật theo
cơ chế chống oxy hóa
– Đã đánh giá độc tính của cỏ mật thông qua việc nghiên cứu độc tính cấp và độc tính
bán trường diễn, kết quả cho thấy dùng cỏ mật rất an toàn do độc tính thấp
2. Về phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu tác dụng hiệp đồng giấc ngủ của cỏ mật với phenobarbital. Đây là
phương pháp mới nhằm chứng minh cơ chế bảo vệ gan của thuốc nghiên cứu.

Vi phẫu cây cỏ mật

Kết luận

1. Nghiên cứu về thực vật
– Đã mô tả đặc diểm hình thái của cỏ mật, đặc điểm vi phẫu thân cây và đặc điểm bột
dược liệu làm cơ sở cho việc thu hái đúng và xây dựng Tiêu chuẩn dược liệu
– Đã hoàn thành 3 tiêu bản dược liệu (các Tế Bào được lưu giữ tại Khoa Tài nguyên -Viện Dược liệu)
– Đã xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn dược liệu cỏ mật
2. Thành phần hóa học của cỏ mật

– Thành phần hóa học của cỏ mật gồm một số nhóm hoạt chất sau: Carotenoid, flavonoid, đường khử, flavonoid, acid hữu cơ, tanin, acid amin, saponin và alcaloid.
– Lần đầu tiên phân lập và xác định cấu trúc của 5 chất trong cỏ mật gồm : Vinaerioramoside, Ginsenoside A2 , Quercitrin, Daucosterol và Palmatine. Trong đó Vina-erioramoside là chất lần đầu tiên phân lập được từ thiên nhiên.

3. Tác dụng sinh học của cỏ mật

  • Tác dụng bảo vệ gan
  • Tăng phục hồi tổn thương gan
  • Tác dụng lợi mật
  • Độc tính cấp thấp
  • Độc tính bán trường diễn không ảnh hưởng

Kiến nghị
So với các loại dược liệu có tác dụng bảo vệ gan , cỏ mật có nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm và giá thành rẻ. Bước đầu nghiên cứu thành phần hóa học và chứng minh cao nước cỏ mật có tác dụng bảo vệ gan, phục hồi tổn thương gan cấp, tác dụng lợi mật, độc tính cấp, độc tính bán trường diễn thấp . Vì vậy để có thể bổ sung một loại thuốc điều trị bệnh lý gan, mật mới từ nguồn nguyên liệu này, góp phần thay thế các thuốc nhập khẩu, cần được tiếp tục nghiên cứu chế phẩm từ cỏ mật làm thuốc bảo vệ gan.

Leave a Comment